Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10

Chi tiết tin

Phổ biến giáo dục pháp luật

TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ

Ngày đăng: 8:12 | 23/10/2023 Lượt xem: 1977

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Đây là dự án Luật nhận được nhiều sự quan tâm, cho ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng bị tác động và đại đa số các ý kiến đều đồng thuận, nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong việc bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở đã được xác định trong các văn bản của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đồng thời kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, toàn diện, xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

         
Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ Công an đã trực tiếp phối hợp với ủy ban Quốc phòng và An ninh, các ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng Báo cáo của ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Qua tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội cho thấy, về cơ bản đại đa số các ý kiến tham gia đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật, nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, còn có ý kiến khác nhau về 05 nội dung lớn của dự thảo Luật; bao gồm:


Thứ nhất,
về tên gọi của Luật có một số ý kiến đề nghị chỉnh lý là “Luật Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”, “Luật Lực lượng hỗ trợ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”, “Luật Bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở” hoặc “Luật về công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở dựa vào cộng đồng” hoặc “Luật Tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”. Qua nghiên cứu, có cơ sở xác định tên gọi “Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” đã khái quát đầy đủ và tương đối thống nhất với nội dung dự thảo Luật, phù hợp với mục tiêu xây dựng Luật. Tên gọi này thể hiện đúng bản chất là lực lượng “tham gia hỗ trợ” cho Công an cấp xã trong bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và cũng đã được Chính phủ nghiên cứu, thảo luận kỹ, nhiều lần trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mặt khác, hiện nay ngoài các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và dân phòng, còn có các lực lượng quần chúng tự quản được quần chúng nhân dân tự thành lập ra để thực hiện các công việc bảo vệ an ninh, trật tự. Theo đó, để huy động sức mạnh của toàn dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo Luật đã quy định rõ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng làm nòng cốt trong hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.


Thứ hai,
về đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật để bao quát hết các lực lượng có tính chất tự nguyện, tự quản tham gia hỗ trợ Công an cấp xã bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Dự thảo Luật quy định kiện toàn thống nhất các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách, các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành 01 lực lượng chung với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật để bao quát hết các lực lượng có tính chất tự nguyện, tự quản tham gia hỗ trợ Công an cấp xã bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Qua nghiên cứu cho thấy, không mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật là phù hợp; bởi vì: Theo quy định tại Điều 46 Hiến pháp năm 2013 thì mọi công dân đều có nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Luật Công an nhân dân (khoản 1 Điều 14) quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ Công an nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Luật Công an nhân dân và các luật khác có liên quan như Luật Thanh niên năm 2020, Pháp lệnh Cựu chiến binh năm 2005, Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) và điều lệ của các tổ chức hội, đoàn thể thì trên thực tế có nhiều lực lượng tình nguyện, tự quản tham gia hỗ trợ Công an nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên, hỗ trợ có tính chất thường xuyên, nòng cốt, có quá trình thực hiện lâu dài trên phạm vi toàn quốc thì chỉ có 03 lực lượng, đó là bảo vệ dân phố, dân phòng và Công an xã bán chuyên trách; còn lực lượng thuộc các tổ chức hội, đoàn thể, lực lượng tình nguyện, tự quản khác... tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trên cơ sở pháp lý được quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan; đồng thời, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của các lực lượng này là khác biệt so với 03 lực lượng được kiện toàn nêu trên. Mục tiêu của việc xây dựng Luật này là tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh sẵn có thành 01 lực lượng thống nhất với chức năng, nhiệm vụ tập trung, làm nòng cốt trong hỗ trợ Công an chính quy bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với lực lượng thuộc các tổ chức hội, đoàn thể, lực lượng tình nguyện, tự quản, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, bảo vệ chung cư... sẽ không phù hợp về vị trí, vai trò, cũng như tính chất hoạt động giữa lực lượng do chính quyền thành lập với lực lượng hoạt động tự nguyện, tự quản ở cộng đồng dân cư, cơ sở.


Thứ ba,
về đề nghị quy định quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và quy định độ tuổi tối đa khi tham gia lực lượng này.


- Qua nghiên cứu cho thấy không quy định quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là có căn cứ; bởi vì: Quyền hạn phải gắn với việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực thi quyền lực nhà nước. Đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước mà tính chất hoạt động là tham gia hỗ trợ theo sự hướng dẫn, phân công, chỉ đạo trực tiếp của Công an cấp xã nên việc quy định quyền hạn của lực lượng này là không phù hợp.
- Về quy định độ tuổi tối đa: theo dự thảo Luật thì một trong những tiêu chuẩn để công dân được tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là bảo đảm tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định. Mặt khác, nếu giới hạn độ tuổi tối đa sẽ khó thu hút người dân tham gia, nhất là những người dù nhiều tuổi nhưng vẫn đủ sức khỏe, có kiến thức, tâm huyết, trách nhiệm trong công tác xã hội. Đồng thời, từ trước đến nay, pháp luật cũng chưa quy định độ tuổi tối đa trong việc tuyển chọn người tham gia lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố và Công an xã bán chuyên trách, nên việc bổ sung quy định độ tuổi tối đa đối với người tham gia lực lượng là không phù hợp với thực tế.


Thứ tư,
Dự thảo luật không quy định khung tối đa số lượng Tổ và khung tối đa số lượng các chức danh của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; bởi vì: Nếu quy định “cứng” về khung số lượng Tổ, số lượng các chức danh của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự sẽ không phù hợp với tình hình thực tiễn, không sát với nhu cầu của từng thôn, tổ dân phố, vì mỗi vùng miền, khu vực thành thị, nông thôn có sự khác nhau. Do đó, dự thảo Luật quy định theo hướng “mở” để chính quyền địa phương căn cứ yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để quyết định số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và số lượng người tham gia hoạt động là phù hợp và bảo đảm tính khả thi.


Thứ năm,
Không quy định khung, không quy định cụ thể mức tối thiểu hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế trong dự thảo Luật; bởi vì: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng được tuyển chọn tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, dưới sự quản lý và do chính quyền cơ sở bảo đảm kinh phí chi trả chế độ, chính sách; nếu quy định “cứng” trong Luật về khung mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng và khung mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế sẽ không phù hợp với thực tế, nhất là ở các địa phương còn khó khăn về kinh tế, xã hội và có thể là áp lực về ngân sách đối với các địa phương chưa tự chủ được ngân sách. Chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, quyết định mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để phù hợp với thực tế điều kiện ở từng địa phương và bảo đảm tính khả thi của Luật.



Tác giả: Đội Pháp chế và Quản lý Khoa học

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Thông báo

THÔNG TIN LIÊN HỆ

TRỰC BAN CA TỈNH  : 0694.166 112
TRỰC BAN HÌNH SỰ : (0235) 3852.596
TRỰC BAN ĐIỀU TRA : (0235) 3852.589
TRỰC BAN CSGT : 0694.160 416
 TIẾP NHẬN GIẢI QUYẾT VỀ TTHC:
  * QLXNC - (H.An) 
                  - (T.Kỳ)
  * Giao thông
  * PCCC & CNCH
  * QLHC về TTXH
: (0235) 3910.093
: (0235) 3812.394
: (0235) 3852.577
: 0694.160 502
: 0694.160 408

CHUYÊN MỤC ANQN




    Liên kết website

    select

    Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Quảng Nam
    Địa chỉ: Đường Trần Hưng Đạo - TP.Tam Kỳ - Quảng Nam
    Điện thoại: 0694.160179     Email: banbientapca@quangnam.gov.vn
    Fanpage: https://www.facebook.com/policequangnam/
    Giấy phép số 03/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/02/2017
    Bản quyền thuộc về Công an Tỉnh Quảng Nam.
    Khi sử dụng lại thông tin, đề nghị ghi rõ nguồn "Cổng TTĐT Công an tỉnh Quảng Nam"
    Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

    Chung nhan Tin Nhiem Mang