|
Trung tướng Nguyễn Văn Phục, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng chủ trì Hội thảo. |
Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương, thể hiện sự quan tâm và vị trí, tầm quan trọng của công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng đối với việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của lực lượng Công an nhân dân.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Văn Phục nhấn mạnh, công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng là một công tác rất phức tạp, khó khăn, có phạm vi rộng, có vị trí , vai trò rất quan trọng bảo đảm thi hành nghiêm minh bản án, quyết định của Tòa án, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo đảm các điều kiện thuận lợi để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đất nước.
|
Toàn cảnh Hội thảo. |
Trong thời gian qua, công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng và có ý nghĩa; đã nắm và quản lý được số đối tượng chấp hành án hình sự tại cộng đồng, số đối tượng chấp hành xong án phạt tù, số đối tượng được tha tù trước thời hạn có điều kiện về địa phương; công tác xây dựng các mô hình về tái hoà nhập cộng đồng để cùng chung tay giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, hạn chế tái phạm.
Hiện nay, lực lượng Công an nhân dân đang quản lý 57.472 người chấp hành án hình sự tại cộng đồng; 166.000 người chấp hành xong án phạt tù thuộc diện cần thiết tổ chức công tác tái hoà nhập cộng đồng; có 258 mô hình tái hoà nhập cộng đồng đang được duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau, còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót và những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người chấp hành xong án phạt tù.
|
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo. |
Việc tổ chức Hội thảo này là một bước để làm rõ những vấn đề trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công an cấp xã trong thực hiện công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và quy định của Bộ Công an, cung cấp thêm tư liệu, cơ sở, căn cứ cho việc xây dựng, hoàn thiện, tham mưu lãnh đạo Bộ Công an ban hành “Quy trình quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng của Công an cấp xã”...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận phản ánh tương đối toàn diện, đầy đủ các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng; đồng thời đề xuất những giải pháp cả về cơ chế, chính sách pháp lý lẫn trong thực tiễn tổ chức thực hiện tốt công tác này.
Kết luận Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Văn Phục khẳng định việc quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng là trách nhiệm cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt; cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, văn bản hướng dẫn để lực lượng Công an cấp cơ sở thực hiện tốt công tác này.
Trung tướng Nguyễn Văn Phục nhấn mạnh nhận thức về trách nhiệm, quyền hạn của cấp uỷ, chính quyền địa phương; sự chủ động và phát huy vai trò nòng cốt của Công an cấp cơ sở và sự tham gia của các đoàn thể, quần chúng nhân dân là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác này.
|
Các đại biểu dự Hội thảo. |
Đặc biệt, cần phải thực hiện đồng bộ các mặt công tác như: công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền; phối hợp hiệu quả với các cơ quan, ban ngành có liên quan và các đơn vị trong Ngành; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cũng như tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng Công an cấp cơ sở; đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất...
Đối với dự thảo “Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về ban hành Quy trình quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng của Công an cấp xã”, các đại biểu tại Hội thảo đã có ý kiến tham gia chi tiết và khẳng định sự cần thiết ban hành Quy trình này.