Lịch sử CAND ghi nhận ngày 21/9/2016 là một dấu mốc quan trọng: Lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ, Tổng Bí thư tham gia Đảng ủy và Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương. Từ đó, đồng chí thường xuyên tham dự các Hội nghị Đảng ủy và có những bài phát biểu quan trọng, sâu sắc, toàn diện chỉ đạo hiệu quả các lĩnh vực công tác CAND.
Sự kiện ấy thể hiện tình cảm, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên, trực tiếp của Đảng nói chung, của cá nhân Tổng Bí thư nói riêng; đồng thời là điểm tựa, là chỗ dựa, là nguồn động viên lớn lao để Đảng ủy Công an Trung ương trong lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Trong lời nói và việc làm, Tổng Bí thư đã thể hiện tình cảm đặc biệt với CAND. Xin phép được ghi lại một vài phát biểu của đồng chí:
“Tôi tin tưởng và tha thiết mong rằng: Với những nỗ lực và quyết tâm cao, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, với đội ngũ cán bộ trung thành, tận tụy, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ, năng lực, lực lượng CAND sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lập nhiều thành tích, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân” (phát biểu tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73, tháng 1/2018).
“Tôi thường nói: “Quân đội và Công an là hai lực lượng thanh kiếm và lá chắn, hai cánh của một con chim, bảo vệ, giữ gìn hòa bình, ổn định, phát triển đất nước” (phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy do Bộ Công an tổ chức ngày 6/3/2023).
“Tôi tha thiết mong rằng, các đồng chí tiếp tục phát huy vai trò gương mẫu”, “Thanh bảo kiếm của Đảng - cơ quan thực thi pháp luật không thể không gương mẫu được” với tinh thần “Còn Đảng thì còn mình”, “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất” (phát biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả, kiểm điểm lại việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023..., ngày 20/12/2023)...
Các từ “tin tưởng”, “tha thiết” thể hiện một lý trí, một tấm lòng tin yêu, trao gửi trọn vẹn. Cách dùng ẩn dụ “thanh kiếm” (biểu trưng cho sức mạnh tấn công sắc bén, mạnh mẽ); “lá chắn” (biểu trưng cho sự bảo vệ chắc chắn, hiệu quả); “hai cánh” (biểu trưng cho sự vươn lên, bay cao, bay xa), chính xác về tu từ, biểu cảm cao nhất sự tin tưởng tuyệt đối vào lực lượng CAND trong sứ mệnh cao cả, thiêng liêng bảo vệ Đảng, bảo vệ dân. Cách diễn đạt ấy chính là sự học tập cách viết của Bác Hồ: “Công an và quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính” (1). Trên mọi phương diện, nói và làm, Đồng chí Tổng Bí thư là một trong những học trò xuất sắc nhất của Bác Hồ, học tập và làm theo tấm gương Bác một cách triệt để nhất.
Tấm lòng yêu thương, tin tưởng của đồng chí với CAND, thể hiện mới nhất vào ngày 4/7/2024, Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024. Do điều kiện sức khỏe không đến dự được, Tổng Bí thư gửi đến hội nghị nội dung phát biểu chỉ đạo, gợi mở một số ý kiến quan trọng. Vẫn ngôn từ thể hiện tình cảm chân thành: “Đặc biệt vui mừng và phấn khởi khi có các đồng chí tham dự hội nghị hôm nay được Đảng, Nhà nước giao cương vị mới, đó là đồng chí Chủ tịch nước Tô Lâm (nguyên Bộ trưởng, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương); đồng chí Thượng tướng Lương Tam Quang, tân Bộ trưởng, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương; đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng (nguyên Thứ trưởng Bộ Công an). Nói điều này để thấy, lực lượng CAND của chúng ta được Trung ương quan tâm giao nhiều trọng trách rất quan trọng, những chiến công, thành tích cống hiến của các đồng chí luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao”. Thật không ngờ, đó là những lời vàng ngọc của tâm hồn lớn, trí tuệ lớn trao gửi lại để ra đi gặp Bác Hồ, gặp các cụ Các Mác, Lênin.
Tin vào lực lượng CAND tuyệt đối trung thành, Tổng Bí thư đề nghị cần tiếp tục chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND “thật sự trong sạch, vững mạnh theo đúng nghĩa của cụm từ này”, để là lực lượng tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, tuyệt đối kiên định mục tiêu, lý tưởng, con đường xã hội chủ nghĩa. “Còn Đảng, còn mình”, cách dùng từ ngắn gọn mà sâu sắc, tinh tế mà quyết liệt nhưng khái quát cao nhất về mối quan hệ máu thịt, hữu cơ, không tách rời giữa Đảng lãnh đạo và lực lượng chuyên chính bảo vệ Đảng, bảo vệ dân, bảo vệ chế độ. Đó là thực tế lịch sử cũng là quy luật tồn tại, phát triển của bất kỳ chính thể, nhà nước nào. Thế nên, những lời “mong” của đồng chí Tổng Bí thư cũng là sự thể hiện những yêu cầu của thời đại. Học bài học về chỉnh đốn Đảng của Bác Hồ, đồng chí đề nghị Đảng bộ Công an Trung ương gương mẫu đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nghiêm túc, thẳng thắn đánh giá, nhận diện, đề ra các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đó vừa là chiến lược, lâu dài, vừa là sách lược, trước mắt để CAND ngày càng phát triển ngang tầm nhiệm vụ.
Tin vào lực lượng CAND thực hiện tốt Sáu điều Bác Hồ dạy. Như người anh cả, những lời ấm áp, thân tình của đồng chí Tổng Bí thư như nói với những người em yêu thương trong gia đình ruột thịt. Sáu điều dạy đó “quý lắm, thiêng liêng lắm và có ý nghĩa sâu sắc lắm; từng câu, từng chữ, từng lời dạy của Bác mãi mãi còn nguyên giá trị, thực sự là ánh sáng, là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối, nhắc nhở mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an chúng ta phải luôn luôn “dĩ công vi thượng”...”. Xin phép được nhắc lại Sáu điều Bác Hồ dạy CAND: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính/ Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ/ Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành/ Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép/ Đối với công việc, phải tận tụy/ Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”. Soi văn bản này dưới ánh sáng của triết học liên văn hóa (The Intercultural Philosophy) - điểm tựa lý thuyết mới của khoa học xã hội nhân văn nghiên cứu toàn diện những quan hệ đối thoại thời toàn cầu hóa, sẽ thấy, đúng như Tổng Bí thư nhận định, đó là “ánh sáng”, là “ngọn đuốc soi đường”. Chỉ sáu câu nhưng là “cẩm nang” về đối thoại văn hóa với cả đối tượng (với mình, đồng sự, Chính phủ, nhân dân, công việc, với địch) một cách hệ thống, đầy đủ và hoàn chỉnh nhất. Cũng hoàn thiện nhất về nội dung, phương pháp, không thể thêm bớt bất cứ chữ nào. Đó đích thực là chân lý, nguyên lý, cũng là đạo lý để xây dựng “CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” như Đại hội Đảng XIII xác định.
Tin vào lực lượng CAND: Luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Công an của ta là CAND, vì dân phục vụ và dựa vào dân mà làm việc...”, “phải thực sự trung thành, tôn kính, thương yêu dân”, “phải gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng nhân dân, lễ phép với nhân dân...”. Những lời dạy này nằm trong mạch nguồn văn hóa yêu thương con người của dân tộc, mà Nguyễn Trãi là một đỉnh cao: “Lật thuyền mới biết dân như nước”; kết tinh cao độ và phát huy cao nhất sức mạnh trong tư tưởng Hồ Chí Minh: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”. Mọi thắng lợi đều do dân giúp đỡ: “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Thế nên, lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư cũng là lời của lịch sử, của văn hóa dân tộc.
Trong Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 69 (ngày 18/12/2013), bên cạnh việc đánh giá cao thành tích của CAND, đồng chí yêu cầu làm tốt hơn công tác dân vận, quán triệt sâu sắc các quan điểm vận động quần chúng của Đảng, thực hiện tốt phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Vì: “Nếu làm được việc này thì dù kẻ thù có âm mưu thâm độc đến đâu thì cũng không làm gì được chúng ta vì chúng ta có nhân dân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phải biết tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đặc biệt, phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Đây là yếu tố rất quan trọng để ngành Công an hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Những lời di huấn sâu sắc, cao cả, thiêng liêng ấy sẽ được điêu khắc bằng vàng trong Bảo tàng văn hóa tinh thần CAND, luôn sống mãi trong trái tim mỗi người lính CAND!