Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10

Chi tiết tin

Hoạt động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ

Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tháng 10/2021

Ngày đăng: 11:11 | 06/10/2021 Lượt xem: 5337

Trong tháng 9/2021, tình hình vi phạm pháp luật về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh xảy ra 93 vụ, làm chết 02 người, bị thương 16 người, tài sản thiệt hại trị giá hơn 9,62 tỷ đồng; tệ nạn xã hội xảy ra 38 vụ, 124 đối tượng; tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 08 vụ, chết 07 người, bị thương 07 người, thiệt hại tài sản ước tính 50 triệu đồng; xảy ra 23 vụ cháy, thiệt hại gần 02 tỷ đồng 204,36ha rừng; tai nạn khác xảy ra 16 vụ, 16 người chết. Đáng chú ý, xảy ra 02 vụ Giết người, 01 vụ Cướp tài sản, 10 vụ Cố ý gây thương tích, 01 vụ Hiếp dâm, 02 vụ Hiếp dâm người dưới 16 tuổi, 01 vụ Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, 17 vụ Trộm cắp  tài sản, 03 vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 01 vụ Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; khởi tố 02 vụ Làm lây lan dịch bệnh Covid-19, xử phạt 258 trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch với số tiền 691 triệu đồng.

* Một số vụ, việc điển hình:

 Nhiều đối tượng ngoại tỉnh đến Quảng Nam hoạt động “tín dụng đen” bị Công an tỉnh Quảng Nam triệt phá:


Tang vật cơ quan Công an thu giữ

Ngày 19/9/2021, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Nam tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 03 đối tượng: Lâm Quang Phát (SN 1993, thường trú Kim Sơn, Ninh Bình), Lý Văn Đức (SN 2002, thường trú Cư Jut, Đăk Nông) và Bùi Văn Tuấn (SN 1999, thường trú Bá Thước, Thanh Hóa) về hành vi “cho vay lãi nặng” với lãi suất từ 240% đến 360%/năm, tiến hành khám xét khẩn cấp tại nơi ở, lực lượng Công an thu giữ 01 xe ô tô, 04 xe máy, 09 ĐTDĐ, 20 triệu đồng, hơn 100 bộ hồ sơ vay, nhiều thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân, giấy vay tiền, đồ vật, tài liệu có liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng và nhiều hung khí...Từ đầu năm 2020 đến nay, nhóm này đã cho hơn 100 người vay với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng và thu lợi bất chính trên 03 tỷ đồng.

Vụ việc tạm giữ người nêu trên chỉ là một trong những vụ việc điển hình. Ngoài ra trong tháng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Nam còn phát hiện liên tiếp 07 vụ 17 đối tượng từ các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá…vào địa bàn Quảng Nam thuê nhà trọ hoạt động cho vay lãi nặng. Qua khai thác dữ liệu điện tử xác định nhóm này cho hơn 500 người vay tiền tổng số tiền gần 11 tỷ đồng, với lãi suất dao động từ 240 - 730%/năm, thu lợi bất chính hơn 03 tỷ đồng. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là cho vay 10 triệu nhưng chỉ đưa người vay 8 triệu, sau 25 ngày, chúng thu 12,5 triệu đồng, lãi 4,5 triệu đồng và sau 25 ngày lại xoay vòng cho vay lại.

Hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng của linh mục Đinh Hữu Thoại sẽ bị xử lý:

Trong giai đoạn cả nước đang “căng mình” phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì Đinh Hữu Thoại, linh mục phụ tá Giáo xứ Tiên Phước (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) lại có nhiều bài viết, bình luận trên các trang mạng xã hội với nội dung bôi nhọ, xuyên tạc công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước, cụ thể như: “Quỹ vaccine là quỹ lừa đảo, kẻ lừa đảo thì mang tiền đi gửi nhà băng lấy lãi, kẻ bị lừa thì ngậm bồ hòn làm ngọt”; “Bộ Y tế  thao túng và kiếm ăn bộn tiền trong đại dịch, chả thấy lợi gì cho dân”; “Chỉ có 2 thành phần đóng góp vào quỹ tào lao này là thiếu hiểu biết và hèn nhát”; “Không ngu gì để dân chích ngừa vaccine hết, phải để kinh doanh kiếm lời một thời gian”...


Một bài viết xuyên tạc trên trang facebook Đinh Hữu Thoại

Thực tế, từ Quỹ vaccine hàng triệu người dân cả nước đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 để chống chọi với dịch bệnh, chính bản thân Linh mục Đinh Hữu Thoại cũng đã được tiêm vaccine phòng ngừa Covid – 19 hoàn toàn miễn phí cũng như hàng trăm chức sắc, tín đồ, giáo dân khác trên địa bàn tỉnh.

Rõ ràng, những bài viết, bình luận không có căn cứ, sai sự thật của linh mục Đinh Hữu Thoại là vi phạm pháp luật theo Luật An ninh mạng, đi ngược lại với tiếng nói chung của dân tộc, của các tôn giáo trong công tác phòng, chống Covid-19. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam đã 02 lần hẹn làm việc với linh mục Đinh Hữu Thoại, tuy nhiên viện nhiều lý do đến nay vị linh mục này vẫn không hợp tác. Cơ quan chức năng sẽ tiến hành các biện pháp để xử lý theo quy định của pháp luật.

          * Một số loại tội phạm người dân cần nâng cao cảnh giác trong thời gian tới:

Vay tiền qua Ứng dụng trực tuyến (App online) “Vay vài triệu đồng - trả nợ hàng trăm triệu đồng”

 Lợi dụng tình hình dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, kéo dài khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, các đối tượng thành lập các App online hoặc lập công ty tài chính làm vỏ bọc, rải, dán tờ rơi nơi công cộng, quảng cáo trên không gian mạng, tin nhắn SMS, facebook, zalo…kêu gọi cho vay vốn lãi suất thấp, hồ sơ đơn giản, không cần thế chấp, không cần gặp mặt, giải ngân chuyển khoản ngay trong ngày, đáng chú ý có trường hợp không vay cũng được duyệt hồ sơ.

Các app vay tiền có khả năng "biến tướng" thành tín dụng đen, gây bất an cho xã hội.

Trên thực tế các đối tượng áp dụng lãi suất rất cao, lãi chồng lãi và các loại phí khác, khiến người vay mất cân đối việc vay và trả gốc, mất khả năng chi trả, cầm cố thế chấp cho các đối tượng. Khi đăng ký vay, người vay chỉ nhận được từ 50% - 60% số tiền đã đăng ký (Ví dụ đăng ký vay 02 triệu đồng thì chỉ nhận được khoảng 1,1 triệu đồng nhưng phải trả đúng số tiền gốc trong thời gian ngắn hạn 07 ngày, 10 ngày, 30 ngày…). Nếu không đủ khả năng chi trả đúng ngày thì mỗi ngày trễ hạn bọn chúng sẽ tính phí phạt rất cao từ 300.000đ đến 01 triệu đồng/ngày đồng thời giới thiệu người vay sử dụng các App vay tiền mới để vay trả nợ cho App cũ. Và cứ như thế, người vay rơi vào vòng xoáy nợ nần, không có khả năng chi trả vì số tiền lãi mà các App để lại lên tới cả hàng trăm triệu đồng. Từ đó, bọn chúng đe dọa người vay, người thân, bạn bè có tên trong danh bạ bằng cách gọi điện liên tục, ghép ảnh đồi trụy, bêu xấu danh dự, nhân phẩm trên mạng xã hội, có trường hợp còn giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản…khiến người vay hoang mang, lo sợ gồng mình trả lãi suất “cắt cổ”, nhiều trường hợp bế tắc đã phải tự tử hoặc bỏ trốn khỏi địa phương, gây mất an ninh trật tự.

Để phòng tránh mắc bẫy vay tiền của các đối tượng trên không gian mạng, người dân nên tiếp cận các ngân hàng, cơ sở tín dụng để hưởng chính sách tín dụng hợp pháp, đúng quy định đồng thời cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số lạ, tin nhắn SMS, messenger, zalo…lôi kéo vay tiền; không bấm vào đường link quảng cáo “Vay tiền online” trên các trang mạng xã hội, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, số CMND, CCCD, số thẻ ngân hàng, mã OTP…cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó.

          * Mọi nghi vấn hoặc phát hiện các đối tượng, vụ việc có liên quan đến tội phạm và VPPL đề nghị công dân gọi điện báo cho Công an theo số máy 113 hoặc thông báo ngay cho Công an nơi gần nhất để kịp thời ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tác giả: Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Thông báo

THÔNG TIN LIÊN HỆ

TRỰC BAN CA TỈNH  : 0694.166 112
TRỰC BAN HÌNH SỰ : (0235) 3852.596
TRỰC BAN ĐIỀU TRA : (0235) 3852.589
TRỰC BAN CSGT : 0694.160 416
 TIẾP NHẬN GIẢI QUYẾT VỀ TTHC:
  * QLXNC - (H.An) 
                  - (T.Kỳ)
  * Giao thông
  * PCCC & CNCH
  * QLHC về TTXH
: (0235) 3910.093
: (0235) 3812.394
: (0235) 3852.577
: 0694.160 502
: 0694.160 408

CHUYÊN MỤC ANQN




    Liên kết website

    select

    Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Quảng Nam
    Địa chỉ: Đường Trần Hưng Đạo - TP.Tam Kỳ - Quảng Nam
    Điện thoại: 0694.160179     Email: banbientapca@quangnam.gov.vn
    Fanpage: https://www.facebook.com/policequangnam/
    Giấy phép số 03/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/02/2017
    Bản quyền thuộc về Công an Tỉnh Quảng Nam.
    Khi sử dụng lại thông tin, đề nghị ghi rõ nguồn "Cổng TTĐT Công an tỉnh Quảng Nam"
    Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

    Chung nhan Tin Nhiem Mang