Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 07 vụ cháy rừng và 06 sự cố cháy lớp thực bì của các rừng, đồi keo. Tại một số địa phương như Tam Kỳ, Hội An, Đông Giang, Núi Thành, Thăng Bình, Phú Ninh... đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng; có địa phương trong thời gian ngắn đã xảy ra cháy rừng nhiều lần như: Khu vực rừng keo thuộc phường An Phú (Tam Kỳ); khu vực rừng dương liễu thuộc phường Cẩm An (Hội An). Đặc biệt, vụ cháy rừng tự nhiên xảy ra lúc 16 giờ 00 phút ngày 04/5/2020, tại khoảnh 6, 7 Tiểu khu 160 thuộc xã MàCooih (Đông Giang) đến 21 giờ 00 ngày 05/5/2020 đám cháy mới được kiểm soát; diện tích rừng bị cháy khoảng hơn 10 ha.
Theo dự báo, thời tiết trong thời gian tới sẽ tiếp tục khô hanh, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy rừng; khi xảy ra cháy có khả năng gây cháy lan trên diện rộng. Thực hiện Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 11/5/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh, vừa qua Giám đốc Công an tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo Công an các địa phương tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm Công văn số 836/CAT-PC07 ngày 16/3/2020 của Giám đốc Công an tỉnh về triển khai thực hiện các biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cấp bách sau:
Một là, chỉ đạo Công an cấp xã phối hợp chính quyền cấp xã lồng ghép tổ chức tuyên truyền các biện pháp về PCCC rừng trong các buổi họp dân, trên hệ thống truyền thanh địa phương để tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia công tác PCCC rừng tại địa phương; qua đó, yêu cầu chủ rừng, người dân xử lý thực bì bằng lửa phải thực hiện theo đúng quy định; nghiêm cấm việc sử dụng lửa không có kiểm soát trong các khu rừng để hạn chế nguy cơ gây cháy, nhất là đốt thực bì sau khai thác, đốt ong lấy mật, làm rẫy...
Hai là, phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông tại địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; chủ động lồng ghép tuyên truyền công tác PCCC rừng trong công tác phát động, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại địa phương.
Ba là, tổ chức lực lượng thường trực đảm bảo kịp thời huy động tham gia chữa cháy rừng; phối hợp các ngành tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong chữa cháy rừng; huy động lực lượng, phương tiện tại địa phương nhanh nhất để tham gia chữa cháy rừng khi xảy ra trên địa bàn. Chỉ đạo Công an cấp xã cùng chính quyền địa phương huy động các lực lượng tại chổ, lực lượng dân phòng và người dân tham gia chữa cháy rừng ngay từ khi mới phát sinh để khống chế, không để cháy lan trên diện rộng.
Bốn là, phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng, nhất là đối với những khu vực, địa bàn xảy ra cháy rừng liên tục, nhiều lần; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, đang là giai đoạn cao điểm của mùa nắng nóng, do đó nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương, Bản tin Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ kêu gọi mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng, nhất là những người dân sống ở khu vực ven rừng.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)