Bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ gây thiệt hại to lớn về tính mạng, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Để ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, giúp đỡ nhân dân nhanh chóng ổn định sản xuất, cuộc sống, không để người dân nào bị đói, rét, không nơi ở, đảm bảo an ninh, trật tự, thực hiện hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ, lực lượng Công an đã khẩn trương huy động tối đa lực lượng, phương tiện ở nhiều đơn vị, địa phương.
Bộ Công an đã kịp thời báo cáo tình hình với đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư; triển khai "thần tốc" các phương án ứng phó với diễn biến hết sức phức tạp của thiên tai; liên tiếp ban hành 04 Công điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương ứng phó với bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng và tổ chức khắc phục sự cố, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lực lượng Công an khẩn trương nắm chắc tình hình nhân dân và vận chuyển lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, nước uống, nước sạch… để cung cấp cho người dân trong vùng bị cô lập, người dân thiếu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm… với tinh thần nhanh nhất có thể, đảm bảo đúng đối tượng; tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, xử lý nghiêm các hành vi gây mất an ninh, trật tự, các hành vi đăng tải, lan truyền thông tin sai sự thật ảnh hưởng tới công tác phòng, chống bão lụt và cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân dân.
|
Lực lượng công an giúp người dân di chuyển tài sản. |
Công an các đơn vị, địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp mưa lũ, sạt lở bố trí lực lượng thường trực, ứng trực 100% quân số để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra; hàng vạn cán bộ, hàng ngàn phương tiện được huy động trực tiếp bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở, đảm bảo an toàn giao thông, sơ tán, di dời, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ người dân cùng phương tiện, tài sản tại các xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ...
|
Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động triển khai lực lượng hỗ trợ nhân dân. |
Trong đó, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động huy động tăng cường, điều động hơn 600 cán bộ, cùng nhiều phương tiện chuyên dụng chi viện cho Công an các địa phương bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ; trực tiếp tổ chức cứu nạn, cứu hộ sự cố sập cầu Phong Châu (Phú Thọ), hướng dẫn triển khai hiệu quả các giải pháp khắc phục hậu quả, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xây dựng các phương án chốt chặn, điều tiết, bảo đảm an toàn giao thông tại các địa bàn, tuyến giao thông trọng điểm, có nguy cơ cao xảy ra mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét;
Khẩn trương rà soát, đảm bảo kinh phí từ ngân sách của Bộ cho Công an các các đơn vị, địa phương thực hiện phòng, chống và khắc phục hậu quả bão, lũ, lụt; rà soát nhu cầu thực tế, kịp thời cấp phát, vận chuyển ngay trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác ứng phó, cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả bão, lũ, tập trung các loại phương tiện thủy; trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; cấp bổ sung xăng, dầu... với tinh thần khẩn trương, kịp thời và hiệu quả thiết thực. Công tác viễn thông và cơ yếu được tăng cường để duy trì bảo đảm đường truyền, thông tin liên lạc giữa Bộ và Công an các đơn vị, địa phương; nhiều đoàn công tác y tế đã được xuống các địa phương bị thiệt hại để hỗ trợ thuốc men, khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường..
|
Lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân sự cố sập cầu Phong Châu. |
Công an các địa phương chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, khẩn trương rà soát, thống kê chi tiết các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để kịp thời tham mưu sơ tán, di dời người dân cùng phương tiện, tài sản đến nơi an toàn; khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, vệ sinh môi trường để sớm ổn định cuộc sống, sản xuất; hỗ trợ lương thực, thực phẩm (gạo, mỳ tôm, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết khác), thuốc men; chủ động phương án bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và Nhà nước, phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm lợi dụng bão lũ, thiên tai để hoạt động; phối hợp với các cơ quan chức năng dự báo tình hình mưa kéo dài, gây lũ dâng cao trên các tuyến sông, hồ đập để bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng, cắm biển cảnh báo, bảo đảm an toàn giao thông, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; không để người và phương tiện tham gia giao thông lưu thông khi không bảo đảm an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Trong đó,Công an tỉnh Phú Thọ đã triển khai ngay các biện pháp phối hợp khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tập trung công tác cứu nạn, cứu hộ và tham mưu cấp ủy, chính quyền kịp thời động viên, thăm hỏi, hỗ trợ người bị nạn, nhanh chóng ổn định tình hình an ninh, trật tự. Công an tỉnh Thái Nguyên đã huy động hơn 4.000 lượt CBCS, hơn 1.000 phương tiện tuần tra, cứu hộ, trên 100 xuồng máy, xuồng cao su, thuyền nan; Công an tỉnh Cao Bằng huy động trên 1.000 CBCS; Công an tỉnh Quảng Ninh huy động gần 2.000 CBCS; Công an thành phố Hải Phòng huy động khoảng 5.000 CBCS cùng gần 500 phương tiện; Công an tỉnh Bắc Ninh huy động gần 2.000 CBCS; Công an tỉnh Vĩnh Phúc huy động trên 2.400 lượt CBCS; Công an tỉnh Hà Nam thành lập 500 tổ công tác với gần 2.000 CBCS cùng trên 1.600 thành viên lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở....để kịp thời tham gia cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an ninh trật tự; phối hợp hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão, mưa lũ.
|
|
|
Lực lượng Công an cứu hộ người dân bị ảnh hưởng bởi lũ |
Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương kịp thời đề xuất khen thưởng, động viên, thực hiện chế độ chính sách đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và cán bộ, chiến sỹ bị hy sinh, bị thương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ; có biện pháp nhân rộng các điển hình tiên tiến trong quá trình triển khai thực hiện ứng phó với bão, mưa lũ.