Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10

Chi tiết tin

Thời sự - Suy ngẫm

CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA VIỆC XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ

Ngày đăng: 9:07 | 01/04/2022 Lượt xem: 12186

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật. Xét về cơ sở thực tiễn, có thể nói rằng xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Thứ nhất, về thực tiễn tổ chức lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách, dân phòng.

- Về lực lượng bảo vệ dân phố: Bảo vệ dân phố là lực lượng quần chúng tự nguyện làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, được thành lập ở các phường, thị trấn (sau đây gọi chung là phường) nơi bố trí lực lượng Công an chính quy, do Ủy ban nhân dân phường quyết định thành lập.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức của cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng bảo vệ dân phố đã từng bước được xây dựng, củng cố ngày càng lớn mạnh, có nhiều đóng góp vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, là một trong những tổ chức quần chúng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Về lịch sử, lực lượng Bảo vệ dân phố không phải bây giờ mới được pháp luật đề cập đến mà ngay từ những ngày đầu giải phóng miền Bắc, lực lượng Bảo vệ dân phố đã được xây dựng và pháp lý hóa tại Quy định số 143/VP, ngày 23/7/1963 của Bộ Công an quy định tạm thời về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức hoạt động của bảo vệ dân phố, đến ngày 16/8/1995, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã có Quyết định số 521/QĐ-BNV ban hành bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban bảo vệ dân phố thay thế Quy định số 143/VP và đến năm 2006 Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2006/NĐ-CP về bảo vệ dân phố, đây là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và chế độ chính sách đối với bảo vệ dân phố, trên cơ sở đó Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 01/3/2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 về bảo vệ dân phố.

Trên cơ sở đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 38 Ban Bảo vệ dân phố với 1004 thành viên, trong đó có 38 Trưởng ban, 38 Phó Trưởng ban, 232 Tổ trưởng và 696 Tổ viên. Trong thời gian qua, Bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vị trí, vai trò của mình trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, như: phối hợp với lực lượng bảo vệ các cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn để cùng bảo vệ an ninh, trật tự tại khu vực; tổ chức và vận động nhân dân tham gia cảm hóa, giúp đỡ những người đang trong diện cải tạo không giam giữ, quản chế, tù được hưởng án treo, tù tha về đang trong thời gian thử thách, đối tượng giáo dục tại phường, thị trấn ở khu vực chấp hành theo quy định của pháp luật; phát hiện, tuy bắt các đối tượng có lệnh truy nã, trốn thi hành án; vận động thuyết phục đối tượng phạm tội đang lẩn trốn ra tự thú; phối hợp với gia đình, nhà trường, đoàn thể có biện pháp quản lý, giáo dục trẻ em phạm pháp; đóng vai trò là lực lượng quần chúng tự nguyện trong phong trào bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

- Về lực lượng Công an xã bán chuyên trách: Trong các thời kỳ cách mạng, lực lượng Công an xã đều giữ vai trò quan trọng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, giữ gìn an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, lực lượng Công an xã luôn giữ vai trò nòng cốt, xung kích.

Tính đến nay, trên toàn tỉnh có 1008 Công an xã bán chuyên trách, đây là những đồng chí đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về công tác phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm phạm trật tự an toàn xã hội. Trong thời gian qua, sau khi Công an tỉnh bố trí Công an chính quy về Công an cấp xã thì Công an xã bán chuyên trách vẫn tiếp tục về thực hiện chức trách, nhiệm vụ tại các thôn trên địa bàn tỉnh.

- Về tổ chức lực lượng dân phòng: Xác định được vị trí, tầm quan trọng của Nhân dân trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đặc biệt là trong giai đoạn đất nước ta chuyển sang thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương quan trọng về huy động sức mạnh của Nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Trong đó, lực lượng dân phòng cũng được xác định là một trong những lực lượng quan trọng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Về lịch sử, lực lượng dân phòng không chỉ có giai đoạn hiện nay mà ngay từ những năm 1961, quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy được quy định tại Pháp lệnh. Đến năm 2001, Luật Phòng cháy và chữa cháy được Quốc hội thông qua, lực lượng dân phòng tiếp tục được ghi nhận vai trò quan trọng trong công tác phòng cháy, chữa cháy từ cơ sở.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, lực lượng dân phòng đang triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật được quan tâm về biên chế, tổ chức; hiện nay toàn tỉnh có 1240 Tổ Dân phòng, 1126 Đội Dân phòng với 10.718 Thành viên. Thành viên của lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh thường xuyên được huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, về chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Về chức năng, nhiệm vụ, mỗi lực lượng đều có chức năng, nhiệm vụ được quy định riêng tại các văn bản quy phạm pháp luật, như Pháp lệnh Công an xã năm 2008 quy định về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an xã bán chuyên trách; Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ quy định về bảo vệ dân phố; Điều 44 Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng dân phòng. Khi phát sinh vụ việc về an ninh, trật tự, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, với sự tham mưu của lực lượng Công an xã đều huy động và sử dụng các lực lượng này thực hiện nhiệm vụ chung về tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở, do đây là những lực lượng gần dân, là cầu nối trực tiếp giữa chính quyền các cấp và lực lượng Công an.

Tuy nhiên, khi triển khi mô hình Công an 4 cấp (cấp Bộ, tỉnh, huyện, xã) theo Luật Công an nhân dân thì chức năng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã do lực lượng Công an chính quy đảm trách, nên lực lượng Công an xã bán chuyên trách xét về quy định không còn cơ sở pháp lý để tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã. Đồng thời chức năng, nhiệm vụ của 03 lực lượng này được quy định ở nhiều văn bản khác nhau. Chính vì vậy, xét về thực tiễn tổ chức thi hành pháp luật gặp những khó khăn, vướng mắc, cần thống nhất quy định trong văn bản pháp quy, có giá trị pháp lý cao hơn, đó là Luật để làm cơ sở pháp lý vững chắc các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình.

Thứ ba, về chế độ, chính sách, điều kiện đảm bảo.

Trong điều kiện cho phép, bên cạnh việc trang cấp các công cụ, trang thiết bị cần thiết cho các lực lượng này để phối hợp tham gia đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở, trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng nhân lực, vật lực và chế độ, chính sách hiện có, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Công an tỉnh đã phối hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các Nghị quyết quy định về mức phụ cấp được hưởng hằng tháng cũng như trang bị các điều kiện cơ bản để các lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, dân phòng thực hiện nhiệm vụ được giao, như: Nghị quyết số 137/2009/NĐ-HĐND, ngày 22/7/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định mức phụ cấp cho bảo vệ dân phố, Nghị quyết số 53/2012/NĐ-HĐND, ngày 19/9/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số137/2009/NQ-HĐND ngày 22/7/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định mức phụ cấp cho Bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam... Mặc dù phụ cấp hỗ trợ cho các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được quy định nhưng mức hỗ trợ hiện nay rất thấp, chưa phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội.

Do vậy, về thực tiễn, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, song việc tổ chức các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gặp một số khó khăn nhất định, như: (i) việc quy định chức năng, nhiệm vụ của ba lực lượng này tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, vừa có điểm tương đồng, vừa có sự khác biệt, cho thấy có sự chồng chéo tương đối trong quy định đối với các lực lượng không chuyên trách tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự tại địa phương; (ii) việc thành lập, huy động các lực lượng này đều phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố “tự nguyện” của bản thân họ, dẫn đến có trường hợp người có sức khỏe, năng lực, tố chất thì không muốn tham gia vào các lực lượng này và ngược lại, dẫn đến chất lượng của lực lượng Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng còn chưa đồng đều, nhất là ở các địa bàn xã trọng điểm về an ninh, trật tự, xã biên giới, ven biển; (iii) có sự chênh lệch tương đối về độ tuổi, trình độ văn hóa giữa Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng trong cùng một đơn vị cấp xã và giữa cấp xã với nhau nên công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự có lúc còn thiếu nhịp nhàng, chưa thực sự gắn kết; (iv) chế độ, chính sách đối với các lực lượng này mặc dù được quan tâm nhưng còn có phần chưa tương xứng với tính chất công việc, nhiệm vụ, chưa quy định chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ liên quan khác...

Xuất phát từ những thực tiễn trên, việc xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một đòi hỏi tất yếu, khách quan, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc đang gặp phải hiện nay để tranh thủ, sử dụng và phát huy cao nhất hiệu quả các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tác giả: Thượng tá Nguyễn Chí Thanh - Trưởng Phòng Tham mưu

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Thông báo

 • Thông báo của Công an tỉnh

 • Tìm người bị hại

 • Tìm chủ sở hữu

 • Tìm tang vật

 • Tìm tung tích nạn nhân

THÔNG TIN LIÊN HỆ

TRỰC BAN CA TỈNH  : 0694.166 112
TRỰC BAN HÌNH SỰ : (0235) 3852.596
TRỰC BAN ĐIỀU TRA : (0235) 3852.589
TRỰC BAN CSGT : 0694.160 416
 TIẾP NHẬN GIẢI QUYẾT VỀ TTHC:
  * QLXNC - (H.An) 
                  - (T.Kỳ)
  * Giao thông
  * PCCC & CNCH
  * QLHC về TTXH
: (0235) 3910.093
: (0235) 3812.394
: (0235) 3852.577
: 0694.160 502
: 0694.160 408

CHUYÊN MỤC ANQN




    Liên kết website

    select

    Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Quảng Nam
    Địa chỉ: Đường Trần Hưng Đạo - TP.Tam Kỳ - Quảng Nam
    Điện thoại: 0694.160179     Email: banbientapca@quangnam.gov.vn
    Fanpage: https://www.facebook.com/policequangnam/
    Giấy phép số 03/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/02/2017
    Bản quyền thuộc về Công an Tỉnh Quảng Nam.
    Khi sử dụng lại thông tin, đề nghị ghi rõ nguồn "Cổng TTĐT Công an tỉnh Quảng Nam"
    Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

    Chung nhan Tin Nhiem Mang